Robert Boulden và hiệu sách tiếng Anh ở Hà Nội

 

Robert Boulden, người Australia bình dị, sang VN lần đầu tiên như một du khách, nhưng đã 'bị đất nước này hớp hồn". Hiện ông đang giúp con trai nuôi, quê Thanh Hóa, mở hiệu sách tiếng Anh ở Hà Nội.

Được biết, một phần cửa hàng được dùng để giúp các họa sĩ trẻ VN trưng bày tác phẩm.

Hiệu sách có tên Bookworm (Mọt sách), 15A Ngô Văn Sở. Triển lãm "Hoa súng" của họa sĩ trẻ Hoàng Duy Vàng vừa diễn ra tại đây. Ông Robert Boulden cùng trò chuyện với báo chí:

Bà nhà có ý kiến gì khi thấy ông dành nhiều thời gian cho Việt Nam?

Chính bà ấy muốn sang đây trước, chứ không phải tôi (cười). Sau một vài chuyến du lịch, chúng tôi đều bị VN hớp hồn. Bà ấy về nước, nói với tôi là nếu tìm được một công việc nào đó liên quan đến VN thì bà ấy sẽ sang đây trước.

Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được một dự án hợp tác giữa trường ĐHTH Sydney và ĐH Nông nghiệp I. Nhưng đã là dự án thì trước sau gì cũng có sự kết thúc và bây giờ bà ấy nhường lại cơ hội cho tôi...

Ông chắc chắn đây là cửa hàng sách tiếng Anh duy nhất ở Hà Nội?

Thật mà. Ở đây chỉ có sách tiếng Anh thôi, không có bất cứ một ngôn ngữ nào khác nữa.

Khách hàng của ông đa phần là người nước ngoài?

Mọi người nhầm to rồi. Ngược lại đấy, phần nhiều lại là người VN, trong đó có không ít là những doanh nhân trẻ, thích đọc tiểu thuyết nguyên bản tiếng Anh. Sinh viên thì cũng đông lắm...

Nhưng giá sách bán ở đây không thấp?

Đó là với sách mới tinh. Nhưng giá bán ở đây cũng đã thấp hơn so với giá bìa ít nhất 50.000 đồng. Tôi chọn cách mua rẻ thông qua các Hội chợ sách ở Thái Lan. Riêng mảng sách second-hand (sách cũ) ở đây thì được khách hàng Việt ưu tiên số 1 đấy.

Tôi quan sát thấy các bạn đó thường lượn một vòng qua dãy sách mới, xem xét giá cả, nội dung cẩn thận rồi quay lại dãy sách cũ để chọn mua. Vừa rồi, cửa hàng đã không có đủ bản Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) để bán cho sinh viên.

Cửa hàng là món quà ông dành cho cậu con nuôi?

Trường có gia đình ở Thanh Hóa. Chúng tôi tình cờ biết nhau cách đây 2 năm. Trường đã đi du lịch cùng vợ chồng tôi khắp VN, và sau đó có sang Australia thăm gia đình tôi bên đó. Cậu ấy chân thật và tình cảm lắm. Vì thế chúng tôi đã rất muốn nhận Trường làm con nuôi.

Nhưng phải mất nửa năm sau, Trường mới nhận lời. Tình cảm giữa chúng tôi mới là món quà lớn nhất.

Vậy cửa hàng sách này có ý nghĩa gì với Trường và với ông?

Đó là cách chúng tôi giúp Trường sống tự lập. Kinh doanh không phải chuyện đùa. Một sinh viên ngoại ngữ mới ra trường như Trường thực sự không dám mạo hiểm, vấn đề không phải ở đồng vốn mà ở khả năng dám nghĩ, dám làm và dám liều qua những trở ngại.

Nghe nói, cách đây 7 năm ông đã bỏ nghề sư phạm, học làm nghệ sĩ khi đã 55 tuổi. Tại sao ông đi tới quyết định như vậy?

(Cười). Vậy đấy. Tôi đã nghĩ rằng mấy chục năm qua vậy là đủ rồi, ta cần có những chuyến mạo hiểm trước khi quá già. Và tôi mạo hiểm...

Mạo hiểm chuyển sang làm nghệ sĩ và sau đó mạo hiểm với Việt Nam... Có thể nói như vậy về ông được không?

Cũng đúng. Vì tôi muốn làm tất cả những gì có thể để giúp các bạn trẻ VN mà tôi biết, được càng nhiều càng tốt. Tôi muốn khuyến khích họ phát huy khả năng để làm được một cái gì đó hữu ích cho chính họ.

Tôi biết nhiều nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội tuy chưa nổi danh, nhưng khi xem tranh của họ, tôi cảm nhận được họ có tài và có ý chí vươn lên trong nghề nghiệp. Tôi cũng hiểu là họ thực sự rất khó tìm được một không gian giới thiệu nghệ thuật của mình, vì tiền thuê nhà là cả một vấn đề.

Vì thế mà tôi dành một phần cửa hàng và toàn bộ những khoảng tường phía trên các giá sách để mở một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận.

Nhưng biết đâu các triển lãm ở đây lại là một cách quảng bá cho cửa hàng của ông?

Vì họ chưa nổi danh, các buổi khai mạc triển lãm đều không quá đông, không có truyền thông báo chí gì đâu. Thế thì làm sao gọi là quảng bá nhỉ (cười)... Tôi chỉ hi vọng là treo tranh ở đây, nghệ thuật của họ sẽ có nhiều người biết đến hơn, ít nhất cũng khoảng 500 người trong vòng ba tuần.

Theo Việt Mai
Thể thao Văn hóa